Danh·pháp khoa·học Anh, Pháp và Tiếng Hy·lạp, La·tinh

Gốc từ Hi lạp và La-tinh trong Hệ thống Thuật ngữ Pháp – Anh (tiếp theo)
Tác giả: Nguyễn Hy Hậu

B. Danh pháp khoa học Anh, Pháp và tiếng Hy-lạp, La-tinh

I. Nguồn gốc thuật ngữ khoa học Anh, Pháp và lý do vay mượn tiếng Hy-lạp, La-tinh
II. Cấu tạo thuật ngữ khoa học dùng yếu tố từ thuộc các cổ ngữ
III. Cách phân tích và giải thích thuật ngữ

Có nhiều ngôn ngữ, xưa cổ và hiện đại, đã góp phần xây dựng từ vựng và ngữ pháp của tiếng Anh, tiếng Pháp hiện thời. Tuy nhiên, không có ngôn ngữ nào đóng góp nhiều hơn hai ngôn ngữ cổ Hy-lạp và La-tinh (Hy-La).
Tiếng Anh, tiếng Pháp đã vay mượn rất nhiều của La-tinh và tiếng này lại mượn nhiều từ của Hy-lạp.

Trong bảng kê hơn một ngàn từ Pháp cơ bản, số từ bác học chiếm vào khoảng 6 phần trăm. Trong một từ điển cơ bản, số từ bình dân chiếm khoảng 75 phần trăm, so với 25 phần trăm từ bác học. Khi xét thêm nhiều từ ngoài các từ cơ bản, tỷ số các từ bác học càng nhiều hơn.

Nếu xem xét 10 ngàn từ thông dụng nhất của tiếng Anh, có vào khoảng 46 phần trăm từ phái sinh trực tiếp hay gián tiếp có gốc La-tinh và 7 phần trăm gốc Hy-lạp. Nếu xét 20 ngàn từ thông dụng, các tỷ số này lên đến 53 và 10 phần trăm.

Trong nhiều địa hạt, đặc biệt trong tôn giáo, thần thoại, lịch sử, triết lý, v.v. … từ có gốc Hy La thường được dùng.
Xét từ vựng triết học chẳng hạn, ta thấy từ có gốc La-tinh chiếm 60 phần trăm, từ có gốc Hy-lạp chiếm 30 phần trăm, 8 phần trăm là từ bình dân và 2 phần trăm thuộc các gốc khác.

Nhưng từ có gốc Hy-lạp được dùng nhiều nhất ở trong khoa học.
Trong tất cả các ngành, khả năng của tiếng Hy-lạp đã được tận dụng và tiếng Hy-lạp đã trở thành ngôn ngữ căn bản của thuật ngữ khoa học Anh, Pháp và của nhiều tiếng Âu châu khác. Chỉ cần nhìn các tên của những ngành học, hết thảy đều có gốc Hy-lạp, ngoại trừ hai tên algebra / algèbre / đại số học (từ gốc A-rập) và medicine / médecine / y khoa (từ gốc La-tinh).

Tuy trong tiếng Anh và tiếng Pháp, tên của ngành y có gốc La-tinh nhưng ngành này lại dùng nhiều từ gốc Hy-lạp nhất, những ngành chuyên môn đều có tên gốc Hy-lạp.

Phần lớn những thuật ngữ dùng trong y khoa và nha khoa đều có gốc Hy-La, và hơn 2 phần 3 danh từ y khoa do gốc Hy-lạp mà ra. Gốc Anglo-Saxon chỉ chiếm 5 phần trăm của số từ trong một từ điển y khoa Anh trong khi tỷ số từ có gốc Anglo-Saxon trong Anh ngữ thông thường lên đến trên 30 phần trăm.

Trong các ngành khoa học tự nhiên, tên của thực vật và động vật thường có gốc La tinh. Các từ càng kỹ thuật và càng chuyên biệt lại thường có gốc cổ ngữ. Chỉ cần xem những đoạn trích dẫn sau đây trong báo sinh học sẽ thấy mật độ các từ có gốc Hy-La (được viết nghiêng):

In six of the ten patients in this group there was a definite roentgenographic or operative evidence of pituitary chromophobe adenoma or of craniopharyngioma, in addition to clinical findings characteristic of hypopituitarism. One patient had a suprasellar tumor, probably a glioma of the optic chiasm. In one case, the major portion of the pituitary had been removed or destroyed during craniotomy twelve years prior to the study. One case represented an example of postpartum necrosis of the pituitary.
(Jour. of Clin. Invest. XXXIV, 1955, 899).

Tree with furrowed bark; branchlets glabrous or pilose and soon glabrate; leaves heavy and coriaceous, obvate to oblong or lanceolate, often abruptly acuminate, with acute to obtuse base, yellow-green and lustrous above, undulately crenate with broad rounded teeth, pale and minutely downy or glabrescent beneath; primary ribs 10-16 pairs, straight, prominent beneath; fruiting peduncle shorter than petioles or almost obsolete; cup mostly tuberculate with hard and stout scale united at base; acorn ovoid or ellipsoid, broadly rounded above.
(Gray’s Manual of Botany, 8th Ed., 1950, p.545).

Từ xưa, trong cách vay nhập theo lối văn sách của tiếng Anh và Pháp để có những từ ngữ mới, ảnh hưởng của La-tinh và Hy-lạp đã rõ. Với thuật ngữ khoa học Anh và Pháp, khi xét nguồn gốc sẽ thấy lý do tại sao sự vay mượn nơi hai cổ ngữ này lại càng quan trọng hơn nữa.

I. Nguồn gốc thuật ngữ khoa học và lý do vay mượn tiếng Hy-La

a. Nguồn gốc thuật ngữ khoa học và lịch trình biến hóa
Lịch sử của thuật-ngữ khoa-học Anh và Pháp có liên hệ chặt chẽ với lịch sử khoa học. Ta có thể chia lịch sử khoa học ra làm hai giai đoạn chính, cách nhau bởi khoảng giữa của thế kỷ thứ 17.
Chính vào khoảng thời gian này mà do suy tư của Bacon và Descartes, đã nảy sinh ra khoa học hiện đại với sự đặt lại vấn đề về sự hiểu biết và cách học từ chương, trọng sách vở.

Năm 1620, F. Bacon xuất bản sách Novum organum, “khí cụ mới”, cổ vỏ làm thí nghiệm trong những điều kiện kiểm nghiệm được, rồi quan sát, ghi chép sự kiện, suy luận quy nạp để kiểm soát các giả thuyết …, nói tóm lại, dùng phương pháp khoa học.
Sau đó, các hoạt động khoa học được phát triển mạnh mẽ hơn, bằng chứng là việc thành lập các viện hàn lâm khoa học ở các nước Tây Âu và nhiều thuật ngữ mới được đặt ra .

Trước đó, nhân loại cũng đã thâu thập dần dần trong hàng chục thế kỷ nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Nhiều quan sát, tính toán đã được ghi chép cũng như một vài thí nghiệm để tìm hiểu bản chất của sự vật và những bí mật của vũ trụ, thiên nhiên được thử nghiệm.
Sự suy ra một số “nhân, quả” trong những hiện tượng thiên nhiên đã là mối đầu của nền khoa học và đã làm lui dần mê tín, dị đoan.Tuy vậy, thời xưa cổ, khoa học có nhiều tính chất triết lý, các người làm khoa học ở châu Âu chỉ biết đào bới trong sách vở cũ để tìm phần lớn những điều hiểu biết của họ.

Nền khoa học xưa cổ cũng là nguồn gốc của thuật ngữ mới trong tiếng Anh và Pháp, nhất là lúc đầu chỉ có tiếng La-tinh là tiếng độc nhất được dùng để phát biểu. Chỉ lần lần sau đó, nhờ dịch tiếng La tinh khoa học thời trung cổ, mới có một ngôn ngữ bác học riêng cho tiếng bản xứ. Ngôn ngữ bác học này thường chỉ là sao phỏng, bắt chước tiếng La-tinh, sống tách rời tiếng bình dân và luôn luôn bị coi như là một cái gì ngoại lai, xa lạ. Dần dà, sau đó ngôn ngữ này đã thay thế tiếng La-tinh. Ta thấy có 4 giai đoạn trong sự phát triển này :

1. Thời kỳ trung cổ, khoa học dùng tiếng La-tinh và qua những dịch thuật, sao phỏng, bắt chước mà tiếng La-tinh trung cổ đã nhập vào các tiếng Anh, Pháp.

2. Thời kỳ phục hưng, khoa học bắt đầu phải dùng (ít ra là phải nói) tiếng bản địa và cùng với La-tinh dùng ở trường đã có một ngôn ngữ bác học. Không những có sự tạo từ mới mà phép phái sinh, cách ghép từ mới theo kiểu La-tinh hay Hy-lạp cũng đã bắt đầu; người ta mạnh dạn mượn tiếng Hy-lạp .

3. Phong trào này tiếp tục qua thời kỳ cổ điển. Các nhà bác học như Descartes, Newton, Leibniz vẫn dùng tiếng La-tinh; tuy nhiên đã bắt đầu có sách báo khoa học bằng tiếng bản xứ. Thuật ngữ khoa học đã bắt đầu có một cuộc sống tự lập càng ngày càng lớn và được phát triển mạnh, những thuật ngữ mới được nhập vào tiếng Anh và Pháp một cách ào ạt vào thế kỷ thứ 17, tiếp theo nhiều tiến bộ khoa học do việc phát minh ra kính viển vọng và hiển vi, những phát triển trong các ngành toán học, hóa học cũng như những kỹ thuật dùng để theo dõi, quan sát, tìm hiểu và giải thích những hiện tượng thiên nhiên cùng những quan hệ giữa các hiện tượng này. Cũng vào thời kỳ này ta bắt đầu thấy có các cách đặt tên có hệ thống (danh pháp) các danh từ khoa học tự nhiên và hóa học. Khoa học bắt đầu có tham vọng tìm một ngôn ngữ riêng tùy thuộc vào những nhu cầu đặc biệt. Descartes, Condillac, Leibniz và nhiều người khác nghĩ rằng họ có thể đạt tới một ngôn ngữ phổ quát, dụng cụ của tư tưởng, tựa như ngôn ngữ đại số học trong toán học.

4. Thời đại kỹ thuật đã không đáp lại được những mong muốn trên của các nhà bách khoa. Có những yếu tố sau đây để giải thích sự kiện này :

– tiếng La-tinh thất thế;
– tinh thần quốc gia về văn hóa được thức tỉnh;
– vai trò của kỹ thuật, dụng cụ thủ công trong nghiên cứu;
– sự thương mãi hóa các sáng chế.

Tất cả những điều này đóng vai trò càng ngày càng quan trọng trong nghiên cứu, phát minh, làm cho tiếng thông thường lấn át ngôn ngữ khoa học trong nhiều ngành, điển hình là từ vựng của ngành tin học mới đây. Nhưng nguyên do sâu sắc của sự vô tổ chức này chính là nền khoa học hiện đại với sự phát triển quá nhanh.

Thật vậy, ngôn ngữ biến đổi rất chậm và khoa học bị ràng buộc bởi một thuật ngữ xưa cổ và thuật ngữ này càng ngày càng trở thành rời rạc, mất mạch lạc khi mà các khái niệm cơ bản, cơ sở tư tưởng thay đổi.

b. Lý do vay mượn tiếng Hy-La
Tuy hiện nay không có địa vị đặc biệt như trước, hai cổ ngữ Hy-La (là những tử ngữ) vẫn còn là nguồn gốc cho những thuật ngữ đang được thành hình trong nhiều ngành. Việc đặt từ mới, song song với sự tiến triển không ngừng của khoa học, vẫn được thực hiện dễ dàng nhờ vay mượn hai cổ ngữ nói trên. Ví dụ, phần lớn thuật ngữ mới của y khoa vẫn mượn gốc Hy-lạp.

Sau đây là những lý do tại sao tiếng Hy-La đã tiếp tục tạo nhiều từ của thuật ngữ khoa học:

1. Lý do lịch sử :

Mặc dầu khoa học kỹ thuật không hẳn bắt nguồn với người Hy-lạp cổ đại nhưng họ là những người một thời đã dẫn đầu thế giới trong nhiều địa hạt : văn học, nghệ thuật, triết học, khoa học.

Hippocrate (thế kỷ thứ 5 trước CN) và Galen (thế-kỷ thứ 2 sau CN) là những người sáng lập ra ngành y khoa ở phương Tây và tiếng Hy-lạp có địa vị tối huệ trong ngành này ở châu Âu. Suốt thời kỳ Trung cổ và cả sau đó, La-tinh là ngôn ngữ của y khoa và khoa học. Trong thời kỳ này, nhiều từ La-tinh đã được nhập vào từ vựng khoa học và nhiều từ mới được cấu tạo theo hình dạng từ La-tinh với những gốc từ thuộc cổ ngữ.

Vào thế kỷ thứ 15 và 16, có phong trào trở về học lại các môn cổ điển, ta thường gọi là phong trào phục hưng. La-tinh được xem như ngôn ngữ của học thuật ở toàn cõi Âu châu lúc đó, là ngôn ngữ được dùng trong triết học và thần học cũng như trong khoa học. Truyền thống này tồn tại mãi đến thế kỷ 17 (cả Harvey và Newton, người Anh, đã viết các tác phẩm lớn của họ bằng tiếng La-tinh) và chỉ bắt đầu vào cuối thế kỷ đó, tiếng Anh mới được chấp nhận là ngôn ngữ khả dỉ có thể dùng để phát biểu, diễn tả trong học thuật.

Tiếng Hy-lạp tuy không được dùng làm chuyển ngữ như tiếng La-tinh nhưng đó là ngôn ngữ đã được phát triển, nảy nở, là phương tiện để phát biểu chính xác và đã cung hiến cơ sở thích hợp để tạo từ vựng khoa học. Vì vậy các nhà khoa học đã dùng tiếng Hy-lạp để đặt từ mới trong các ngành học. Tiếng Hy-lạp vẫn còn là cội nguồn của phần lớn các thuật ngữ mới và hơn phân nửa vốn từ vựng khoa học là do ngôn ngữ này mà ra.

Vì những lý do này, phần lớn những từ dùng trong khoa học ngày nay đã được dùng vào thời kỳ mà tiếng Hy-lạp và La-tinh còn là phương tiện truyền bá những ý niệm khoa học. Chỉ cần xem xét lịch sử các ngành học, sẽ thấy những khái niệm và lý thuyết đã được trình bày và giảng giải bằng hai ngôn ngữ cổ này. Thật vậy, danh pháp dùng trong nhiều ngành khoa học có thể đem dùng như một bản toát yếu của lịch sử ngành đó.

Cho nên việc tiếp-tục dùng gốc Hy-La trong danh pháp khoa học chỉ là chuyện tự nhiên và ta cũng không lấy làm lạ là hơn hai mươi thế kỷ sau thời đại văn minh Hy-lạp, khi Alexander G. Bell sáng chế ra máy điện thoại, ông ta đã dùng hai từ “tele”, có nghĩa là “ở xa”, và từ “phonos”, có nghĩa là “âm”, hai từ mà mọi người Hy-lạp thuở xưa đều quen thuộc, để đặt tên “telephone” cho dụng cụ này.

2. Từ có nghĩa ổn định :

Tiếng Hy-lạp cổ và La-tinh cổ không còn được dùng để nói nữa, nên ý nghĩa các từ đã rõ và ổn định. Các từ của hai tiếng này không còn biến hóa cả về mặt hình thái và ngữ nghĩa, không như các ngôn ngữ hiện đại.

Thuật ngữ khoa học dùng các từ của hai thứ tiếng nói trên cũng sẽ có tính chất ổn định. Nghĩa chính xác và sự ổn định lâu dài là hai đặc tính cần có của các từ được dùng trong các lĩnh vực càng ngày càng rộng lớn và phức tạp của khoa học.

Nhờ những gốc từ loại này, ta sẽ tránh khỏi những từ có tính biểu cảm của ngôn ngữ thông thường. Tiếng Hy-La đóng góp những thành phần để tạo những thuật ngữ đúng như ý muốn, có nghĩa chính xác và dạng không đổi. Thường thường, các từ có gốc Hy-lạp ít có nghĩa phụ và nghĩa của từ ít biến đổi hơn các từ có gốc La-tinh.

3. Cách tạo từ ghép dễ dàng, tiện lợi :

Ở đây, ta không cần phải nhắc lại cách tạo từ của tiếng Anh, Pháp (của La-tinh và cũng chung cho nhiều tiếng Ấn-Âu) với những thành phần cơ bản như tiền tố, tiếp tố và các gốc từ và phép phái sinh để tạo những nhóm từ có liên hệ như :

ascend, descend, …;
move, mouvement, remove, immovable, …;
inspect, respect, prospector, circumspect, expect, …:
actor, action, active, act ively, reactionary, …

Tính cách nhân tạo do phép thêm phụ tố của Hy-lạp và La-tinh làm cho hai ngôn ngữ này rất thích hợp, tiện lợi cho việc tạo từ ghép. Hơn nữa, để hội hai hay nhiều ý, nhiều gốc từ cùng với các tiền tố và tiếp tố có thể hợp lại thành một từ mà không có vẻ gượng gạo, ép buộc bởi vì hai tiếng Hy-La thường tạo từ bằng cách này. Như vậy, một thuật ngữ có thể chỉ một sự vật hay định nghĩa một khái niệm một cách chính xác mà không quá dài dòng hay khó nghe . Ðây chính là lý do tại sao gốc từ Hy-lạp được ưa chuộng hơn hết.

Ví dụ : Nephrolith (nephr – , thận; lith -, sõi đá) vừa ngắn gọn, rõ nghĩa và dễ nghe để chỉ “sõi thận”, hiện tượng có sõi trong thận. Ngay cả tiếng La-tinh cũng phải dùng hai từ renalis calculus để chỉ ý niệm đó. Kể cả khi dùng thêm một thành phần khác nữa, các tính chất trên cũng còn giữ được, ví dụ nephrolithotomy dùng để chỉ “sự lấy sõi thận”. Sẽ có nhiều ví dụ khác ở phần nói về cách cấu tạo các thuật ngữ ở đoạn sau.

Xét cấu trúc của một thuật ngữ, thật khó lòng mà biết rằng đã có từ đó trong quá khứ và người Hy-lạp, La-Mã thời xưa đã dùng hay là một từ mới được đặt ra sau này.

Từ vựng của một khoa học phức tạp sở dỉ được chính xác là nhờ kết hợp nhiều yếu tố để miêu tả. Việc này được thực hiện dễ dàng nhờ dùng những ngôn ngữ mà bản chất đã có tính tổng hợp và co giản. Các ngôn ngữ này có cách tạo từ ghép hài âm, thực tiển và giản dị, tự nhiên.

4. Tính phổ biến của tiếng Hy-La:

Vì lý do lịch sử đã nói ở trên, đây là hai ngôn ngữ được nhiều người biết đến trên thế giới, nhất là La-tinh. Ngày xưa, La-tinh là ngôn ngữ của các khoa học, tự nhiên hay chính xác. Ðể đặt tên cho cây cỏ, cho tới gần đây, tiếng La-tinh vẫn thường được dùng. Hai ngôn ngữ Hy-La phổ biến đến độ sách vở viết bằng tiếng ngoại quốc, nếu đề tài là khoa học, thường dễ đọc hơn sách nói chuyện thông thường đối với một số người, nhất là dân Âu châu. Lý do là phần lớn các thuật ngữ khoa học được dùng thường có gốc Hy-La và vì vậy có dạng giống nhau nên dễ hiểu, mặc dầu đó là thuật ngữ tiếng Anh, Pháp, Tây-ban-nha hay Hà-lan, …Thuật ngữ khoa học là tiếng quốc tế nhất trong tất cả các ngôn ngữ hiện nay.

5. Tính chất thuật ngữ :

Những từ có thành phần gốc Hy-lạp có cái lợi là làm ta nhận ra ngay những thuật ngữ. Cũng vì vậy mà nhiều khi gốc Hy-lạp được chọn dùng thay vì gốc La-tinh.

Những từ gốc Hy-La giúp cho các y sĩ tránh chuyện nói đến căn bệnh trước mặt bệnh nhân. Ðây có thể là một chuyện không quan trọng nhưng nhiều người cho rằng về mặt tâm lý có thể là điều hay và chính đáng.

6. Tính có hệ thống :

Việc dùng các từ có gốc Hy-La một cách sâu rộng trên nhiều phạm vi và số từ này rất lớn trong thuật ngữ khoa học của các nước phương Tây đã làm cho danh pháp trong nhiều ngành có được một sự cố kết mạch lạc và thống nhất khó lòng mà đạt được bằng cách khác.

Ngày nay, bất cứ một ngành học mới nào cũng có thể tạo một hệ thống thuật ngữ riêng bằng cách dùng các từ gốc Hy-La, kết hợp với các ngành khác.

Những lý do kể trên giải thích vì sao hai tiếng Hy-lạp và La-tinh là hai ngôn ngữ đã và tiếp tục làm cơ sở cho thuật ngữ khoa học của phần lớn các tiếng châu Âu.

Sự chọn lựa này không hẳn do ngẫu nhiên hay vì truyền thống. Có những lý do lịch sử cũng như những cái lợi thực tiển do việc dùng một gốc ngôn ngữ chung và ngôn ngữ này đã có một vốn từ vựng rộng lớn và đa dạng nhưng hình thức và ngữ nghĩa lại ổn định. Một hệ thống thuật ngữ phát xuất từ một nguồn như thế sẽ giúp cho các nhà khoa học có những từ gợi ra những ý rõ rệt chính xác và ý nghĩa ít bị lệch lạc, ít thay đổi trong bất cứ lĩnh vực nào. Thật vậy, ta thấy phần lớn thuật ngữ có gốc Hy-La đã có hầu hết các đặc tính cần có của thuật ngữ nói đến trước đây.

Ðể thấy rõ những đặc tính đã tạo những điều kể trên, ta hãy xem cách cấu tạo một số thuật ngữ được đem ra làm ví dụ trong phần tiếp theo đây.

II. Cấu tạo thuật ngữ khoa học dùng yếu tố từ thuộc các cổ ngữ

a. Phân loại

Khi xét thuật ngữ khoa học cũng như từ vựng thông thường Anh và Pháp, ta thường phân biệt ba loại:

1. Những từ bản địa, đã được biến hóa, phát triển, nẩy nở không ngăn trở. Cũng như danh từ trong nhiều ngành, nghề, thuật ngữ khoa học Anh và Pháp đã dùng những từ thông thường của đời sống hằng ngày như energy, work, power, salt, base … Những từ này thường không thích hợp vì thiếu những đặc tính cần thiết đã nói ở trên. Mặc dầu người làm khoa học có thể đã cố ý định nghĩa rõ ràng, những từ thuộc loại này vẫn bị biến nghĩa hay bị người ngoài ngành nghề hiểu sai. Nhiều khi chúng có thể gợi ý sai, không giúp ta đoán được nghĩa do dạng của chúng và người nước khác khó lòng hiểu được. Những từ thuộc loại này không nhiều lắm nhưng khốn nỗi thường được dùng để chỉ những khái niệm cơ bản quan trọng.

2. Những từ vay mượn của một ngôn ngữ khác đã được nhập nguyên dạng hay đã được thích ứng. Cũng như tiếng Anh, Pháp thông thường vay mượn một số từ và thay đổi rất ít (ví dụ như café, souvenir, agenda … ), thuật ngữ khoa học vay mượn những từ hầu hết có gốc Hy-La.

Ví dụ :
– các từ có gốc La-tinh như axis, fulcrum, larva, radius, locus, …. hay tên gốc La-tinh như cerebrum, clavicle, fibula , … để chỉ nhiều bộ phận của thân thể.

– các từ có gốc Hy-lạp như thorax, stigma, iris, … và nhiều từ thuộc loại này được viết dưới dạng La-tinh như trachea, bronchus, phylum mặc dầu có gốc Hy-lạp.

Nhiều từ La-tinh và Hy-lạp còn giữ nguyên nghĩa nhưng trong nhiều trường hợp, nghĩa đã được giới hạn và chính xác hơn.

3. Những từ mới được đặt ra, cấu tạo bằng một từ trước đó đã có, dùng có ý thức và võ đoán một phần nào. Ðây là cách vay mượn các từ bác học theo lối văn sách. Có thể có những qui luật về ngữ âm học không được tôn trọng khi cấu tạo những từ này.
Loại thứ ba này là loại sinh sôi dồi dào nhất, có số lượng lớn nhất trong ba loại.
Ví dụ :
antibiotic, leukemia, allergy, poliomyelitis, … trong y-học;
chromosome, protoplasm, chlorophyll, … trong sinh học;
psychiatry, kleptomania, psychoneurosis, … trong tâm lý học …

Sự phát triển và tiến bộ của khoa học trong vài ba trăm năm gần đây rất nhanh chóng và rộng lớn đến nổi không có ngôn ngữ nào có thể sẵn sàng cung cấp đủ số từ cần thiết.
Ngoài ra, những cổ ngữ không có từ thích hợp cho những phát minh và khái niệm hiện đại. (Chẳng hạn La-tinh không thể có từ để chỉ nhiếp ảnh, những kỹ thuật mới, v. v. )
Vì vậy chính người làm khoa học phải tìm cách đặt từ mới để dùng.

b. Cấu tạo

Cấu tạo có nhiều cách. Một số rất ít từ dựa trên cách dùng danh từ riêng như:

– địa danh (như polonium, ytterbium );
– tên trong thần thoại (thorium, vanadium);
– tên hành tinh hay tiểu hành tinh (Uranium, Cerium);
– tên của những nhà nghiên cứu (Curium, Gadolinium, …).

Tên của nhiều nhà khoa học được dùng làm đơn vị đo lường ( Watt, Volt, Gauss, Joule …), để đặt tên các dụng cụ đo lường (voltmetre, etc. ) hay phương pháp, quy trình, v.v. (pasteurization, daltonism, nicotine, bakelite, mendelism …).
Một số cây lấy tên của những nhà thực vật học (fuchsia, dahlia, …).

Tuy vậy, phần lớn các từ mới đều kết hợp nhiều gốc từ để có tính miêu tả, phản ảnh đúng ý.
Loại từ này là loại ta quan tâm tới, là đối tượng chính của phần còn lại của chưong này.
Khi phải đặt từ mới, các nhà khoa học thường hướng về các cổ ngữ để tìm nguyên liệu; đó là những thành phần do cổ ngữ cung cấp để cho họ đặt từ mới cần thiết .

Ví dụ khi cần một tên chỉ loài “động vật như con sên thường bò, lết trên bụng”, người ta đã dùng hai gốc từ Hy-lạp gast(e)ro-, (bụng, bao tử) và pod-, (chân) để tạo từ mới gastropod.
Khi cần chỉ “vận tốc lớn hơn vận tốc của âm thanh”, họ đã dùng tiền tố super-, (trên, hơn, tốt nhất, siêu) và gốc từ son-, (âm thanh, tiếng động) của La-tinh để tạo tính từ supersonic (siêu âm).
Có hàng chục ngàn thuật ngữ khoa học được đặt ra theo lối này.

Tiếng Hy-lạp có nhiều gốc từ tương đối ngắn và dễ kết hợp.
Ví dụ : “dia“, có nghĩa là “xuyên, thông qua” và “meter“, có nghĩa là “đo đạt”.
Diameter” được kết hợp do hai từ trên và có nghĩa rất dễ hiểu là “đường kính, độ dài xuyên tâm”.

Từ vựng khoa học hiện đại có một số từ rất lớn lao, nhưng trái lại những thành phần cơ bản để tạo ra chúng tương đối ít . Khoảng trên dưới 1000 gốc từ đã tạo ra được hàng chục ngàn từ và có lẽ sẽ tiếp tục tạo ra hàng trăm ngàn từ nữa.
Ðặc biệt, có một số ít gốc từ đã kết hợp để tạo nên một số rất lớn các từ ghép.
(Từ vựng y học và giải phẫu chẳng hạn, có đến gần 30000 từ; số từ này đã do không quá 150 gốc từ cơ bản kết hợp cùng với tên các cơ quan trong thân thể tạo nên !)

Một số gốc từ khác xuất hiện trong một nhóm từ, được dùng rải rác trong các ngành khoa học khác nhau.
Ví dụ gốc từ pter (từ Hy-lạp pteron , cánh) được dùng để đặt tên cho nhiều phân loại sâu bọ như diptera, lepidoptera và của một số kiểu máy bay (helicopter, …) cũng như một nhóm hóa chất (methopterin ) hay tên của một giống, loài bò sát biết bay đã hóa thạch (pterodactyl ).

Ta sẽ thấy trong phần từ điển, các gốc từ của cổ ngữ thường có dạng rất thích hợp để tạo từ.
Chẳng hạn như từ Hy-lạp nephros (thận) đã nói đến ở trên, có dạng nephro- (hay nephr-, trước một nguyên âm) khi kết hợp với một gốc khác đã cho những từ sau đây để chỉ tên bệnh :

nephr o- pathy bệnh đau thận;
nephr algia đau nhức thận;
nephr ites viêm thận;
nephr o ptosis bệnh thận bị sa, sa thận; …

hoặc các danh từ giải phẫu :

nephr o- tomy cắt thận;
nephr ec- tomy cắt bỏ thận;
nephr o- rrhaphy may thận lại;
nephr o- pexy chửa thận tại chỗ; …

Ngoài ra còn nhiều từ nữa (trên 50 từ có gốc nephro- !) trong từ điển y học. Ta cũng có thể đặt thêm một số từ mới, cũng như gốc từ này đã được dùng để đặt một số danh từ nói về cấu trúc bài tiết trong một số sinh vật,
ví dụ từ nephrodinia (thận nhỏ), chỉ một khúc của thân con giun đốt gồm có một cặp ống bài tiết và tính từ nephrodinic do từ đó mà ra.

Tiền tố chỉ mức độ, vị trí hay số lượng là những yếu tố rất quí và quan trọng trong việc tạo từ:

Hyperpiesis (chứng tăng huyết áp) và hypopiesis (giảm huyết áp), dùng hai tiền tố có ý trái ngược được ghép với một gốc chung.
Vài ví dụ khác :
Ectoplasm (ngoại chất) là phần mỏng của protoplasm (chất nguyên sinh) nằm phía ngoài của tế bào và endoplasm (nội chất) là phần dày, đặc hơn của protoplasm nằm ở phần trong tế bào.
Apoda là “bộ không chân”, Decapoda là “bộ mười chân” và Myriapoda là “lớp nhiều chân”.
Ðèn dùng trong điện tử có thể là diode (đèn hai cực), triode (đèn ba cực) hay pentode (đèn năm cực) …

Các tiếp tố cũng được dùng một cách có hệ thống, trong y khoa để chỉ hình dạng, viêm sưng, bệnh, thủ thuật , … và trong hóa học để chỉ những chức vụ, cấu trúc, … trong sinh vật học để chỉ chi, loài, nòi, …

Thỉnh thoảng có nhiều gốc từ La-tinh hay Hy-lạp cùng nghĩa, cả hai đều được dùng.
Chẳng hạn để chỉ “động vật ăn thịt”, có hai từ sarcophagous (gốc Hy-lạp) hay carnivorous (gốc La-tinh) cũng như hypodermic (gốc Hy-lạp) và subcutaneous (gốc La-tinh) đều chỉ “dưới da”.
Cũng có khi hai từ loại này có nghĩa khác nhau chút đỉnh. Không có qui luật nào rõ rệt bắt buộc phải dùng gốc La-tinh hay Hy-lạp, mặc dầu các gốc Hy-lạp thường ghép dễ dàng với nhau hơn.

Nhiều khi hai gốc thuộc hai ngôn ngữ cũng có thể ghép với nhau.
Television là ví dụ tiêu biểu do hai gốc từ lai tạp hợp lại : tele- (từ Hy-lạp, có nghĩa “từ xa”) và vis- (từ La-tinh, có nghĩa “nhìn, thấy”).
Ðáng lẽ ra, từ teleorama phải được dùng mới đúng hơn.
Từ thuộc loại này được gọi là từ lai tạp và thường không được chuộng mấy, nếu có thể đặt từ ghép có cùng chung một gốc. Tuy nhiên, ta vẫn thấy những từ lai tạp được dùng như pluviometer (thay vì hyetometer).

Trong hóa học, cả hai loạt gốc nói về số của Hy-lạp và La-tinh đều được dùng để ghép với gốc từ Hy-lạp valent (trị số) :
bivalent hay divalent đều được dùng.
Ngày nay, rất nhiều từ lai tạp được đặt ra vì có nhiều gốc từ rất tiện lợi nên được dùng với các từ có gốc thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Cách tạo từ trong khoa học theo kiểu ghép các gốc từ của các ngôn ngữ cổ đã cho nhiều từ có dạng rất lạ như:
heterochlamydeous (có đài và tràng khác biệt), otorhinolaryngology (khoa tai mũi họng)
hay postzygapophysis (mỏm sau của cơ cấu bán phần cung đốt sống) nhưng rất nhiều từ khi đem ra phân tích thành từng phần cũng cho phép ta hiểu một phần nào nghĩa của chúng.

Những từ dài và chẳng đẹp mấy thường thấy trong lĩnh vực y khoa và hóa học. Tuy nhiên, nếu hiểu danh pháp hóa học thì sẽ thấy các tên cũng hợp lý và hơn nữa, diễn tả được cấu trúc hóa học.

Nguồn:  http://hyhau.free.fr/ChapTwoB.html#B

III. Cách phân tích và giải thích thuật ngữ

Published by

tiengvietmenyeu

Tiếng Việt mến yêu

Bình luận về bài viết này